Mutex giúp video của bạn thêm thú vị

Video clip định dạng Mutex là gì?

Mutex (mutual exclusion) là một khái niệm thường được sử dụng để giải quyết các vấn đề đa luồng trong lập trình… Khôôôôônggggg… rất may là cái tên này trong thời đại đa phương tiện (multimedia) phiên bản 4.0 đơn giản hơn nhiều.

Định nghĩa viết rằng nếu bạn kết hợp từ Mute (tắt âm thanh) và Text (chữ nghĩa) sẽ cho ra từ mới là Mutex. Bạn có thể hiểu là video Mutex sẽ đặt nặng chữ chú thích (caption) và phụ đề (subtitle) hơn là âm thanh. Tỷ lệ (diện tích) chữ trong các video thường chiếm khoảng 40%, và chỉ có nhạc nền chứ không đọc thuyết minh.

Mutex làm mới một sắc thái cũ

Vậy… có phải là chúng ta đang quay về thời kỳ phim câm (silent movie) của thế kỷ trước rồi không nhỉ?

Mới nghe thì cũng.. đúng!

Điều khác biệt ở đây là người xem sẽ tập trung sự chú ý vào nội dung mà video clip qua phụ đề, chú thích nổi bật, đôi lúc rất hài hước,... nhằm mang đến một cảm xúc hoàn toàn khác. 

Bạn có thể thiết kế nhiều phong cách khác nhau cho phần chữ - chủ thể chính của Mutex: đổi màu, đổi định dạng chữ trong một đoạn; thêm hình ảnh trang trí, hiệu ứng khi chữ xuất hiện và biến mất; tạo hoạt hình chuyển động cho chữ,... 

Các hình ảnh minh họa thường được sưu tầm lại từ internet, sau đó cắt ghép lại để tạo ra một nội dung mới.

 

Mutex ở Việt Nam

Dù đã xuất hiện được một thời gian và đang dần trở nên phổ biến, video Mutex vẫn còn là một khái niệm khá mới và định nghĩa chưa được rõ ràng lắm. Mutex được triển khai đầu tiên bởi Kenh14 từ năm 2018, qua các video chú trọng vào nội dung văn bản (phụ đề) chạy liên tục trong clip.

Mạng xã hội Lotus dùng định dạng Mutex như là một đặc trưng của mình, khi ra mắt tháng 9/2019. 

Mutex tỏ ra hiệu quả bởi hiệu ứng văn bản động giúp người xem thấy thú vị khi xem, không còn cảm giác  "lười đọc" nữa. 

Dự đoán trong tương lai, Mutex sẽ trở thành một trong những hình thức video content được ưa thích, giúp tiếp thị nội dung hiệu quả hơn.

Người ta đã thống kê được hơn 10 nội dung thích hợp ứng dụng Mutex video:

  • Quảng bá (PR) giới thiệu nhân vật, nhãn hàng hoặc thương hiệu.

  • Tổng quan, ghép nhiều nguồn tư liệu có liên quan thành nội dung mới.

  • Cắt ghép các nguồn video khác hẳn nhau thành nội dung mới.

  • Giới thiệu sản phẩm nhà người ta (review).

  • Phỏng vấn nhân vật, phỏng vấn đường phố,...

  • Quảng bá thương hiệu cá nhân.

  • Tường thuật sự kiện

  • Hướng dẫn thực hành.

  • Du lịch.

  • Tin tức.

  • Video infographic.

  • Nhật ký, tự sự,...

Cần gì khi làm video Mutex?

Mình sẽ dùng các từ ngữ chuyên môn luôn cho tiện nhé (ý là khỏi nói tới nói lui sai ý nghĩa á). Bạn cũng phải thực hiện các công việc thông thường như định mục tiêu, viết dàn ý, lên kịch bản, phân cảnh, quay và dàn dựng,... nhưng kịch bản cần nâng lên một mức độ cao hơn - biên tập nội dung thật chi tiết, chính xác, đồng thời tưởng tượng ra cách mà bạn muốn từng nội dung đó “trình diễn” trên màn hình. 

Tỷ lệ khung hình đẹp nhất là video vuông (1:1) với kích thước 1080x1080 nhé. Nhưng không bắt buộc bạn phải chọn đúng con số này! Bạn có thể chọn video ngang, dọc theo nhu cầu của khán giả nữa.

1. Trước khi quay - Tiền kỳ 

Xác định ý tưởng, phát triển kịch bản, nếu vẽ được thì phác thảo kịch bản hình ảnh (storyboard), thêm thắt các chi tiết khiến clip hấp dẫn hơn. 

Giai đoạn này luôn phải xong trước khi điện thoại bắt đầu ghi hình. Bạn có thể mất vài giờ, vài ngày lên kế hoạch tổng thể cho dự án cũng như bao gồm việc tìm kiếm địa điểm quay và “tuyển” diễn viên.

2. Trong khi quay - Sản xuất

Video quảng bá mình hay làm thường có một trong hai trạng thái: Trực tiếp và Cắt ghép. 

Nếu là trực tiếp (Live Action), bạn nên cho chạy phụ đề tự động cùng lúc với video đang được quay. Video trực tiếp luôn sinh động, nhất là… gặp sự cố bất ngờ. Mình sẽ chuẩn bị sẵn 1, 2 hình ảnh bìa (cover) chứa tiêu đề, nhân vật, trích dẫn,... để hình đại diện video trên Facebook, YouTube thu hút người xem hơn. 

Thông thường thì mình sẽ quay các phân đoạn (các đoạn phim ngắn theo đúng kịch bản), ghi chú cụ thể cho các đoạn phim được lưu để tiện tìm kiếm và dàn dựng trên máy tính, điện thoại thông minh.

3. Dàn dựng - Hậu kỳ

Sau khi quay xong, bạn sẽ ngồi với người dựng phim để biên tập mọi thứ cho đến khi kết xuất (render) ra video hoàn chỉnh Nếu bạn là người thích tự tay làm mọi thứ, bạn hoàn toàn có thể sáng tạo một video dạng Mutex từ các phần mềm phổ biến, dễ dàng cài đặt trên máy tính cũng như chạy trực tuyến trên web.

a. Phần mềm máy tính

Các phần mềm chuyên ghép phụ đề  đòi hỏi bạn phải bỏ thời gian để tìm hiểu và thực hành. Lý do chính là cách làm việc cũng như giao diện ghép phụ đề hoàn toàn khác các ứng dụng văn phòng bạn quen dùng. Các phần mềm làm phụ đề tốt nhất hiện nay là Aegisub, AHD Subtitles,...

 

Dựng phim toàn diện nhất là bộ phần mềm Adobe Premiere Pro + After Effect với cực kỳ nhiều hiệu ứng, bộ lọc, template chuyên nghiệp. Vấn đề là bộ phần mềm này quá phức tạp để học và đòi hỏi máy tính của bạn phải rất rất MẠNH. 

Đơn giản nhất - trái ngược với độ phức tạp của Premiere là Window Movie Maker. Bạn chỉ cần bỏ ra 30 phút làm quen là có thể sản xuất video được rồi. Tuy nhiên, phần mềm này không còn được phân phối chính thức từ Microsoft nữa rồi. Thay cho WMM, bạn hãy dùng tính năng Video Editor tích hợp ngay trong Win 10 nhé.

Các phần mềm rất hay tiếp theo là Photopia (Proshow Producer, Proshow Gold), Các ứng dụng nhà Vegas (Post, Pro và Movie Studio), TechSmith Camtasia Studio, Corel (VideoStudio Ultimate, Motion), Wondershare Filmora, Final Cut Pro X (MacOS), ... cho bạn khả năng dựng slideshow đơn giản dễ dùng, cùng với vô vàn bộ mẫu miễn phí và đa dạng.

Một phần mềm không chuyên khác có thể giúp bạn dựng video với sức tưởng tượng phải cao và độ kiên nhẫn không nhỏ - là Microsoft Powerpoint. Riêng với Powerpoint, mình cam đoan là bạn có thể dựng phim 3D gần như chuyên nghiệp, một khi bạn nghiêm túc khám phá phần mềm này!

b. Phần mềm trực tuyến (nền web)

Bạn có máy tính vừa đủ tốt và đường truyền internet ổn định? Bạn không cần cài phần mềm nữa. Hãy tận dụng các ứng dụng nền web để sáng tạo video nào: Magisto, PowToon, Loopster, Kizoa, WeVideo, Movie Maker Online, YouTube Studio,...

c. Ứng dụng điện thoại thông minh 

Các ứng dụng mang tính linh động cao, giúp bạn cập nhật, sáng tạo nội dung Mutex mọi lúc mọi nơi: Viva Video, Magisto, FilmoraGo, PowerDirector, LumaFusion (iOS),... và tuyệt vời nhất là ứng dụng bán chuyên nghiệp Kinemaster (độ chuyên tới 80% lận nghen).

Mutex - thích hay không thích, đó cũng có thể là vấn đề!

Với mình, video Mutex là một trong những cách tăng cường sức ảnh hưởng (viral) của clip mà bạn dành hết tâm sức để thực hiện đến khán giả - khách hàng đặc biệt. 

Mình gọi Mutex bằng một cái tên khác - clip tường thuật. Bản thân mình thích nhất các video tập trung vào ý tưởng, hay màu sắc, hoặc âm điệu lời thoại nữa…

Bạn nghĩ gì về định dạng Mutex? Bạn có thích hình thức video này không? Hãy cùng chia sẻ và trao đổi điều bạn quan tâm với mình nhé!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

50 TUYỆT CHIÊU THIẾT KẾ LOGO CHUYÊN NGHIỆP

Thiết kế một tin đồ họa (infographics) trong 10 phút

Xu hướng Thiết kế Logo & Thương hiệu năm 2019